Đặt lịch hẹn khám

Đăng ký

Giỏ hàng

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HUYẾT ÁP CAO VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Cao huyết áp là căn bệnh khá phổ biến và nhiều người mắc phải hiện nay, nếu kéo dài mà không được chữa trị có thể khiến người bệnh tổn thương tim và đột quỵ. Vì thế điều trị cao huyết áp đúng cách sẽ giúp kiểm soát tình hình và ngăn ngừa tối đa nguy cơ biến chứng.

Cao huyết áp là bệnh gì?

Cao huyết áp là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,...

Một số loại cao huyết áp chủ yếu, bao gồm:

  • Cao huyết áp vô căn: không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp

  • Tăng huyết áp thứ phát: liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết

  • Cao tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường

  • Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai

Khi mắc bệnh cao huyết áp, áp suất máu lưu thông trong các động mạch tăng cao, gây nhiều sức ép hơn đến các mô và khiến các mạch máu bị tổn hại dần theo thời gian.

Huyết áp cao là bao nhiêu?

Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu: có giá trị cao hơn do dòng máu trong động mạch lúc này đang được tim đẩy đi

  • Huyết áp tâm trương: có giá trị thấp hơn do mạch máu lúc này không phải chịu áp lực tống máu từ tim

Để trả lời cho vấn đề “Huyết áp cao là bao nhiêu”, hàng loạt các hướng dẫn điều trị của những quốc gia, hiệp hội và nhiều nhà khoa học hàng đầu về tim mạch trên thế giới đã được đưa ra. Việc chẩn đoán và chiến lược điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại nước ta hiện nay thường tuân theo hướng dẫn điều trị cập nhật của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC). Theo hướng dẫn mới cập nhật của ESC năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng, cao huyết áp được phân loại như sau:

  • Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg

  • Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên

  • Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên

  • Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên

  • Tăng huyết áp độ 2: Từ 160/100 mmHg trở lên

  • Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110mmHg trở lên

  • Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90mmHg

Triệu chứng cao huyết áp

Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân tăng huyết áp đều không thể nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào, mặc dù bệnh đã tiến triển khá nghiêm trọng. Một số ít bệnh nhân bị tăng huyết áp có thể biểu hiện một số triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở, hoặc hiếm hơn là chảy máu cam.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Cao huyết áp thứ phát là hệ quả của một số bệnh lý như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hay tác dụng gây ra bởi thuốc tránh thai, thuốc cảm, cocaine, rượu bia, thuốc lá. Loại này chỉ chiếm khoảng 5 - 10% trên tổng số ca bệnh cao huyết áp. Điều trị dứt điểm các nguyên nhân thứ phát có thể giải quyết được bệnh. Đối với tăng huyết áp gây ra do tác dụng không mong muốn của thuốc, sau khi ngừng thuốc có thể mất chừng vài tuần để huyết áp ổn định lại về mức bình thường. Trẻ em, nhất là các trẻ dưới 10 tuổi, mắc cao huyết áp thứ phát thì nguyên nhân thường là do bệnh khác gây ra, điển hình như bệnh thận.

Tăng huyết áp thai kỳ là dạng tăng huyết áp đơn thuần nhưng thường xảy ra sau tuần thai thứ 20. Trong khi đó, tiền sản giật cũng xảy ra sau khi thai nhi được 12 tuần tuổi, nhưng kèm theo phù và có đạm trong nước tiểu. Nguyên nhân của các dạng tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai này có thể là do thiếu máu trầm trọng, nhiều nước ối, mang thai con đầu lòng, đa thai, thai phụ trẻ dưới 20 tuổi hoặc cao trên 35 tuổi, tiền sử cao huyết áp hoặc đái tháo đường,...

Những ai có nguy cơ mắc cao huyết áp?

  • Người lớn tuổi: Hệ thống thành mạch máu không còn duy trì được độ đàn hồi như trước, dẫn đến cao huyết áp

  • Giới tính: Tỷ lệ đàn ông dưới 45 tuổi mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ sau mãn kinh lại có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn so với đàn ông cũng vào độ tuổi này

  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thường cao hơn đối với các thành viên trong gia đình (cha mẹ hoặc anh chị) có tiền sử mắc bệnh tim mạch

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp:

  • Thừa cân béo phì

  • Lối sống tĩnh tại, lười vận động

  • Ăn uống không lành mạnh

  • Ăn quá nhiều muối

  • Sử dụng lạm dụng rượu, bia

  • Hút thuốc lá

  • Căng thẳng thường xuyên

Điều trị bệnh cao huyết áp

Thay đổi lối sống

Biện pháp không dùng thuốc bao giờ cũng chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng trong liệu trình điều trị chung. Theo lời khuyên của các bác sĩ, bệnh nhân có thể kiểm soát huyết áp bằng cách:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Lành mạnh hơn và dùng ít muối (dưới 6g/ngày)

  • Tập thể dục đều đặn, vừa sức

  • Cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân theo hướng dẫn

  • Ngừng hoặc hạn chế tối đa uống rượu, bỏ hút thuốc

  • Tránh nhiễm lạnh đột ngột

  • Kiểm soát tốt các bệnh liên quan

  • Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp đúng theo hướng dẫn của bác sĩ

  • Thường xuyên theo dõi sự thay đổi của huyết áp ngay tại nhà với máy đo thích hợp

Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích giúp bạn nắm rõ hơn về vấn đề huyết áp cao và cách điều trị hiệu quả. 

CÔNG TY CP DƯỢC PHẨM DIỆU PHÁP LIÊN HOA

Địa chỉ: Số 29, Biệt thự BT6, Khu Đô Thị Ngoại Giao Đoàn, P. Xuân Tảo, Q. Bắc Từ Liêm, HN

Hotline: 024.999.999.33

Khiếu nại dv: 0976.882.436

Gmail: duocphamphaphoa@gmail.com

024.999.999.33
Tư vấn miễn phí
Bản đồ
Tư vấn miễn phí